3-4 năm trở lại đây, cây ớt được nông dân nhiều nơi lựa chọn. Thế nhưng, trong định hướng sản xuất cho nông dân, ngành nông nghiệp và nhiều địa phương không đưa cây ớt vào cơ cấu cây trồng. Lý do là bởi, không ít mùa vụ, cây ớt lâm vào tình trạng được mùa mất giá, thậm chí có năm sản phẩm làm ra không biết bán cho ai. Tại xã Thượng Ấm (Sơn Dương), việc phát sinh diện tích ớt trên địa bàn xã bắt đầu từ 2-3 năm nay. Ông Lương Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, dù không nằm trong cơ cấu cây trồng của xã, nhưng diện tích ớt trên địa bàn hiện có khoảng 4-5 ha, tập trung chủ yếu tại thôn Đồng Bèn 1.
![]() Chị Diệp Thị Sáu, thôn Ấp Mới, xã Ninh Lai (Sơn Dương) thu hoạch ớt. |
Theo ông Lê Văn Tuy, Trưởng thôn Đồng Bèn 1, khi mới bắt đầu, diện tích ớt chỉ khoảng 1-2 ha, nhưng người này học người kia, giờ đã tăng lên gần 5 ha, với hơn chục hộ trồng. Trong thôn đã có hiện tượng bà con bỏ trồng lúa chuyển sang trồng ớt. Hộ ít thì 2-3 sào, hộ nhiều có đến 2-3 mẫu như ông Lương Văn Bái, Lương Văn Quang… Trong 1-2 năm đầu, giá ớt khá cao, khoảng 120 nghìn đồng/kg, 1 mẫu ruộng trồng ớt cho thu 200 triệu đồng. Đầu năm 2017, giá bắt đầu giảm còn 70 nghìn đồng/kg, tháng 4 năm nay chỉ còn chưa đến chục nghìn đồng/kg, giờ lại bắt đầu rục rịch tăng lên 45 - 50 nghìn đồng/kg. Việc thu mua cũng hoàn toàn không có đơn vị nào bảo lãnh, mà chủ yếu trông chờ vào thương lái tại một số nơi của tỉnh Phú Thọ đến thu mua. Nhiều hộ ngoài trồng ớt lấy quả, còn tự mua hạt giống về gieo ươm, bán cây giống cho người có nhu cầu.
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Ấm Lương Trung Sơn khẳng định, vì đây là loại cây không nằm trong cơ cấu cây trồng của xã, nên trong mỗi cuộc họp thôn, xã, cán bộ đều khuyến cáo bà con không mở rộng diện tích. Nhưng vì đất của bà con, việc trồng cây gì, nuôi con gì chủ yếu vẫn do bà con lắng nghe “tín hiệu thị trường” nên diện tích cây trồng ngoài cơ cấu rất khó kiểm soát.
Ngoài Thượng Ấm, cây ớt hiện được trồng tại khá nhiều xã của huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa… Trong khi đó, mới chỉ một số ít xã có hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm, như Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).
Không chỉ cây ớt phát triển tự phát, thời gian gần đây, nhiều loại cây, con cũng xuất hiện nhanh chóng rồi giảm dần do bà con tự tìm kiếm đầu ra. Yên Phú (Hàm Yên) cũng là xã tương đối linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều loại cây, con mới đã được người dân đưa về nuôi trồng tại đây như con nhím, cây chanh tứ mùa, phật thủ, táo, thanh long… Tuy nhiên, nhiều loại cây con chỉ xuất hiện một thời gian ngắn rồi giảm dần như nhím; nhiều loại bắt đầu giảm dần diện tích như phật thủ.
Từ năm 2008 - 2009, người dân xã Yên Phú đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng phật thủ. Khởi đầu, một vài hộ làm điểm, sau đó triển khai nhân rộng. Đã từng có thời kỳ, diện tích cây phật thủ ở Yên Phú đạt trên 70 ha. Tuy nhiên, đến những năm 2012 - 2013, mô hình này “thoái trào” do việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, thêm vào đó việc tạo kiểu dáng cho quả phật thủ mất nhiều thời gian, nhiều hộ đã thay thế bằng các loại cây ăn quả khác như cam, táo, thanh long. Diện tích cây phật thủ trên địa bàn xã hiện còn khoảng 30 ha. Anh Vũ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, cây phật thủ không nằm trong cơ cấu cây trồng của xã, nhưng vẫn được xã định hướng để bà con chuyển đổi, nâng cao thu nhập. Vì là sản phẩm do bà con tự tìm đầu ra, nên giá bán cũng tương đối bấp bênh, có thời điểm từ 25-30 nghìn đồng/kg, có thời điểm giảm xuống chỉ còn 6-7 nghìn đồng/kg.
Hiện một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm nhiều giống cây trồng mới như cây mắc ca, cây chi-a, một số giống lúa mới chưa nằm trong cơ cấu giống lúa của tỉnh. Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc nhiều cây trồng mới không nằm trong cơ cấu cây trồng của tỉnh được bà con đưa vào sản xuất đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Quan điểm của ngành là không hạn chế, ép buộc bà con nông dân phải loại bỏ các loại cây trồng này, mà chỉ xử lý những cây trồng cấm sản xuất, những cây trồng ảnh hưởng xấu đến các loại cây trồng khác…
Đối với những cây trồng các địa phương đưa vào các chương trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước bắt buộc phải là cây trồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, có chứng nhận nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, theo ông Thành, ngành Nông nghiệp và các địa phương phải thường xuyên theo dõi, đánh giá năng suất, chất lượng của các loại cây trồng không nằm trong cơ cấu, khuyến khích bà con hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng có sản phẩm mà không có thị trường.