,

✍ Về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bản tỉnh

Nguyễn Ngọc Thắng -
HỎI:

Hiện tại, tôi đang trăn trở về chuyện gây dựng 1 trang trại chăn nuôi lợn (lợn đen) tại Tuyên Quang. Để có thể tạo ra được‎ 1 hệ thống gây dựng thương hiệu sản phẩm thịt lợn, thì yếu tố trước nhất là phải tạo ra được 1 sản phẩm với chất lượng như nhau, chi phí trên sản phẩm thấp và 1 đội ngũ nhân lực cốt yếu để có thể đưa sản phẩm này ra thị trường. Qua tìm hiểu tại website‎ nông nghiệp của tỉnh thấy có Nghị quyết "Về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bản tỉnh" ‎Vậy xin được hỏi nếu công ty tôi muốn được hỗ trợ chính sách như trên thì cần làm cụ thể những gì?

TRẢ LỜI:

Ngày 22/7/2014, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn. Theo đó, đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách này là các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định hiện hành. Trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Thắng, để được hưởng cơ chế, chính sách của tỉnh thì cần thực hiện như sau:

- Bước 1: Anh làm hồ sơ đề nghị UBND thành phố Tuyên Quang cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tiêu chí để được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại đối với trang trại chăn nuôi là tổng giá trị sản lượng hàng hóa của năm trước liền kề năm cấp Giấy đạt từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên. Cụ thể anh có thể nghiên cứu tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Bước 2: Sau khi trang trại của anh đã được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại:

+ Trường hợp trang trại anh có nhu cầu được vay vốn có hỗ trợ lãi suất: Anh viết Bản đăng ký nhu cầu vay vốn có hỗ trợ lãi suất tiền vay (theo mẫu số 01-ĐK kèm theo Hướng dẫn liên ngành số 1729/HDLN-NN-KHCN-TC-KHĐT-NHNN ngày 15/9/2014). có  xác nhận của Tổ trưởng tổ dân phố và trực tiếp chuyển đến bộ phận giao dịch "một cửa" của UBND phường, kèm theo bản sao công chứng hoặc chứng thực Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, thẩm định việc cho vay.

+ Trường hợp trang trại anh có nhu cầu được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm; tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm; tổ chức đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP: Anh viết đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí theo mẫu số 03-HTCP kèm theo Hướng dẫn liên ngành số 1729/HDLN-NN-KHCN-TC-KHĐT-NHNN ngày 15/9/2014; kèm theo đơn là dự toán các khoản chi phí. Sau đó gửi đến UBND thành phố Tuyên Quang để xem xét, thẩm định hỗ trợ.

Ghi chú: Hướng dẫn liên ngành số 1729/HDLN-NN-KHCN-TC-KHĐT-NHNN ngày 15/9/2014 được đăng trên Trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang, Mục Cơ chế, chính sách về NN&PTNT – Sở, liên Sở.

Trong trường hợp cần hỗ trợ tư vấn trực tiếp xin liên hệ: Chi cục Phát triển nông thôn điện thoại 0273822698 để được bố trí thời gian và cán bộ tư vấn./.

Câu hỏi cùng chuyên mục