,

Động vật, thủy sản

Chủ động triển khai công tác bảo vệ đàn vật nuôi trong vụ đông - xuân 2020-2021

Trong mùa đông, nhiệt độ không khí xuống thấp, có thể còn kèm theo mưa phùn; khả năng có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, xuất hiện nhiều đợt rét đậm thậm trí rét hại, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn trâu, bò; nếu không chủ động tổ chức tốt công tác phòng, chống thì đói, rét và dịch bệnh phát sinh là những nguyên nhân gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu, bò nói riêng.

Để chủ động phòng, chống  và với mục tiêu tuyên truyền, vận động người chăn nuôi bảo vệ đàn gia súc, gia cầm; chủ động phòng, chống dịch bệnh, đói, rét, trong điều kiện thời tiết bất lợi của vụ đông-xuân 2020-2021, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại, nâng cao thu nhập cho hộ chăn nuôi, góp phần tích cực đóng góp trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; ngày 12 tháng 10 năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Phương án số 1530/PA-SNN về phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong vụ đông - xuân 2020-2021, trong đó đề nghị các cấp, các ngành phối hợp triển khai tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện với những nội dung chính như sau:

Về chuồng trại: Hộ chăn nuôi cần có chuồng trại theo kết cấu chắc chắn, kiên cố để chăn nuôi ổn định, lâu dài.  Xây chuồng theo hướng đông nam, tránh gió lùa, mưa ướt. Chuồng có hệ thống thoát nước, hố chứa chất thải, nền luôn khô ráo, sạch sẽ, có chất độn chuồng sạch, không trơn trượt, ẩm mốc; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và phát quang các bụi cây rậm, khơi thông hệ thống rãnh thoát nước khu vực xung quanh chuồng nuôi; chuẩn bị dự phòng bạt, phên nứa... để khi nhiệt độ xuống mức rét đậm, rét hại dùng để quây xung quanh chuồng nuôi che chắn cho trâu, bò.

Những hộ chăn nuôi với số lượng lớn thả trên rừng, trong khu lòng hồ thủy điện Tuyên Quang không đưa trâu, bò về nhà thì phải liên kết cùng nhau làm lán tạm để nhốt trâu, bò ở những nơi ít gió lùa tại khu vực chăn thả trong mùa đông; tuyệt đối không thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp dưới 12oC.

Về chăm sóc, nuôi dưỡng: Khẩu phần ăn của trâu, bò trưởng thành bình quân 20-30 kg thức ăn thô/con/ngày, 1-1,5 kg cám các loại, cho uống nước sạch pha với muối (20-30g muối/con/ngày). Chăm sóc tốt cho số trâu, bò già yếu và bê, nghé non mới sinh.

 Khi nhiệt độ thời tiết từ 12 0C đến dưới 150C: Về chăm sóc, nuôi dưỡng: Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, cân đối khẩu phần ăn phù hợp, đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ cho đàn trâu, bò có sức chống rét, bệnh tật.

 Khi nhiệt độ thời tiết xuống dưới 120C: Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi dồn trâu, bò về nuôi nhốt tại chuồng, lán tạm, tuyệt đối không thả rông tự do ngoài đồng, ngoài bãi chăn thả, trên rừng qua đêm.

Cho trâu, bò nghỉ làm việc và cho ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, tăng khẩu phần thức ăn tinh của trâu, bò tăng lên khoảng từ 1-2kg/con/ngày để bổ sung năng lượng giúp trâu, bò chống lại giá rét. Chú ý cho trâu, bò ăn thức ăn thô trước rồi mới cho ăn thức ăn tinh, cho uống đủ nước sạch pha với muối (20-30g muối/con/ngày). 

Có thể thực hiện các biện pháp chống rét cho trâu, bò bằng cách dùng chăn, bao tải khoác cho trâu, bò, hoặc có thể dùng bóng điện, đốt than củi, trấu để sưởi ấm cho trâu, bò đặc biệt là bê, nghé.

Dự phòng, chuẩn bị thức ăn thô xanh cho đàn trâu, bò: Hướng dẫn người chăn nuôi trồng cây ngô dầy đảm bảo diện tích khoảng 300m2/1 con trâu, bò trưởng thành), chăm sóc số diện tích cây thức ăn (cỏ voi, cỏ ghinê, cỏ VA06...) để có đủ thức ăn cho trâu, bò; tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, lá mía để chế biến, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô đánh thành cây (cây rơm) để sử dụng cho đàn trâu, bò ăn trong vụ đông.

Thực hiện tốt công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi: Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh của Trung ương và của UBND tỉnh, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, đạt tỷ lệ theo quy định để tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi.

Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe đàn vật nuôi, trường hợp có gia súc, gia cầm chết, chủ hộ chăn nuôi có trách nhiệm báo cho cán bộ chăn nuôi và thú y xã xác minh đồng thời có báo cho thôn, xã lập biên bản báo cáo UBND huyện theo quy định./.