,

Thủy sản

Kiểm soát sán lá gan nhỏ trong hệ thống nuôi trồng thuỷ sản

Nghiên cứu gần đây đã khẳng định, có sự hiện diện của ít nhất 2 loài ấu trùng sán lá gan nhỏ (Opisthorchis viverrini và Clonorchis sinensis) nhiễm trên cá nuôi và cá tự nhiên ở Việt Nam. Sán lá gan không gây bệnh cho cá, cá không có biểu hiện bất thường khi nhiễm; tuy nhiên sán lá gan nhỏ làm tổn thương nghiêm trọng ở gan và hệ thống mật trên người, những trường hợp mãn tính có thể gây ra xơ gan, ung thư gan và ung thư cuống mật.

Hiện trạng

Nghiên cứu đã chỉ rõ vùng dịch tễ đặc hữu của sán lá gan nhỏ tại Nghĩa Hưng (Nam Định) và hồ Thác Bà (Yên Bái), đây được biết đến như ổ dịch sán lá gan nhỏ đang tồn tại và phát triển.

Cá là vector lây truyền bệnh sán lá gan ở người thông qua ăn gỏi cá hoặc cá nấu chưa chín có nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ. Hiện nay, đã xác định được ít nhất 8 loài cá nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ bao gồm cá tép dầu, cá mương, cá thiểu, cá ngão, cá bống hoa, cá dưng cá dầm đất và cháo thường, đặc biệt tỷ lệ và cường độ nhiễm cao trên cá tép dầu, cá mương, cá thiểu và cá ngão.

 Sau 8 tháng, cá có thể thu hoạch   Ảnh: Diệp Thanh

Ảnh minh họa

Nguyên nhân

Sán lá truyền lây qua cá có vòng đời phức tạp qua nhiều giai đoạn vật chủ khác nhau; vật chủ trung gian thứ 1 (ốc, nhuyễn thể), vật chủ trung gian thứ 2 (cá, tôm) và vật chủ cuối cùng hay vật chủ chính (người và động vật ăn cá). Sán lá gan nhỏ trưởng thành sản sinh ra trứng, trứng thoát ra ngoài theo phân của vật chủ cuối cùng (người hay động vật ăn cá), vào môi trường nước. Ốc - vật chủ trung gian thứ nhất, trong môi trường nước đã thụ động hoặc chủ động nhiễm trứng sán trong quá trình lọc mùn bã hữu cơ làm thức ăn. Trong vật chủ ốc phù hợp, trứng sẽ phát triển qua một số giai đoạn để thành trùng đuôi gọi là cercariae. Cercariae được thải ra ngoài môi trường nước khi đã phát triển hoàn thiện, sau đó xâm nhập vào cá - vật chủ trung gian thứ hai. Cercariae rụng đuôi, xâm nhập qua da, di chuyển đến các mô và phát triển thành bào nang gọi là metacercariae trong loài vật chủ cá phù hợp. Người hoặc động vật ăn cá sống hoặc cá nấu chưa chín có chứa ấu trùng, nang ấu trùng bị phá vỡ trong tá tràng, sán non thoát khỏi nang và phát triển thành sán trưởng thành trong túi mật và đường ống mật hay trong gan. Như vậy, cá sẽ nhiễm sán lá gan nhỏ, “giúp” hoàn thành vòng đời cho sán lá gan nhỏ khi môi trường ao nuôi ô nhiễm từ phân của động vật ăn cá trong đó có con người.

Giải pháp kiểm soát

Giảm thiểu tỷ lệ và cường độ sán lá gan nhiễm trên cá là một trong những giải pháp chính quan trọng việc giảm thiểu tỷ lệ người nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Một số biện pháp kỹ thuật cần áp dụng trong quá trình nuôi cá được khuyến cáo đến các hộ nuôi như sau:

- Không thiết kế nhà vệ sinh gần ao nuôi cá;

- Cải tạo tốt ao nuôi trước khi thả cá, thu nhặt, loại bỏ hết các loại ốc có trong ao;

- Cá giống thả nuôi được mua tại địa chỉ có uy tín, tin cậy, có xác nhận không nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ;

- Không chăn, thả động vật nuôi (chó, mèo, gà vịt, trâu, lợn…) trên bờ ao;

- Không gây màu nước hay bón phân sống gia súc, gia cầm xuống ao nuôi;

- Định kỳ tẩy giun sán cho gia súc gia cầm nuôi ở trang trại;

- Định kỳ tẩy dọn, rắc vôi ở ao nuôi hay treo túi vôi ở lồng nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật địa phương.