,

Gia súc

Hướng dẫn Kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò vỗ béo

Để giúp người chăn nuôi nắm được kỹ thuật vỗ béo trâu, bò đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong Chuyên mục Khuyến nông hôm nay, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò vỗ béo như sau:

1. Đối tượng vỗ béo

Là những con trâu, bò không sử dụng để cày kéo, vắt sữa, sinh sản; trâu bò gầy do thiếu dinh dưỡng và không mắc bệnh truyền nhiễm.

2. Chuồng trại và phương thức vỗ béo

- Chuồng nuôi trâu, bò phải đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường; thoáng mát trong mùa hè, ấm vào mùa đông và cần có diện tích nền chuồng đạt 2,4 m2/con,

- Phương pháp vỗ béo: Nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn theo nhu cầu của trâu, bò. Hàng ngày theo dõi mức độ trâu, bò sử dụng lượng thức ăn trong máng để bổ sung và điều chỉnh đầy đủ kịp thời. Xác định khối lượng trâu, bò trước và sau khi vỗ béo.

3. Kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo trâu, bò

Để nuôi trâu, bò vỗ béo đạt hiệu quả cao cần phải thực hiện đúng kỹ thuật, lựa chọn đối tượng trâu bò vỗ béo, độ tuổi vỗ béo, thức ăn vỗ béo, phòng trị bệnh và  tẩy ký sinh trùng...

- Chuẩn bị vỗ béo: Những con trâu, bò thuộc đối tượng nêu trên phải được phân theo nhóm tuổi, giống, giới tính, thể trạng và tầm vóc. Các giống trâu, bò lai, giống ngoại phát triển nhanh hơn các giống trâu, bò địa phương. Trâu, bò đực tăng trọng nhanh hơn trâu, bò cái. Trâu, bò càng già hiệu quả sử dụng thức ăn càng kém, khả năng tăng trọng chậm. Trâu, bò có thể trạng gầy, khung xương to cho hiệu quả chăn nuôi vỗ béo cao hơn trâu, bò có thể trạng béo, khung xương nhỏ.

Những con trâu, bò bị bệnh thông thường, phải điều trị khỏi bệnh trước khi đưa vào vỗ béo.

- Trong giai đoạn vỗ béo: Định kỳ 30 ngày tiến hành cân, đo khối lượng trâu, bò 1 lần. Kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày của trâu, bò và cho trâu, bò uống đủ nước hợp vệ sinh theo nhu cầu.

3.1. Tẩy ký sinh trùng

Trước khi đưa vào vỗ béo trâu, bò phải tẩy các loại ký sinh trùng theo các phương pháp dưới đây:

- Tẩy ngoại ký sinh trùng như: Ve, ghẻ, rận... bằng một trong các loại thuốc có chứa IVERMECTIN;

- Tẩy nội ký sinh trùng: Tẩy sán lá gan bằng thuốc Fasiolid hoặc Dety – B, tẩy giun bằng thuốc Levamesol; Tẩy ký sinh trùng đường máu bằng thuốc AZIDIN  hoặc RIVANOL.

- Liều sử dụng và cách sử dụng thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

3.2.Thức ăn

Thức ăn dùng vỗ béo trâu, bò bao gồm: Thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin...

- Khẩu phần ăn cho trâu, bò vỗ béo

+ Trâu, bò có khối lượng 230 đến < 300 kg cho ăn 30 kg cỏ tươi + 4 kg rơm khô + 1 đến 2 kg thức ăn tinh /ngày.

+ Trâu, bò có khối lượng > 300 kg cho ăn 40 kg cỏ tươi + 5 kg rơm khô + 2 kg thức ăn tinh /ngày.

Khi bắt đầu cho trâu, bò ăn theo khẩu phần vỗ béo, cần phải tập để trâu, bò quen với thức ăn mới, sau đó tăng dần đến đủ khẩu phần thức ăn vỗ béo/ngày. Tùy từng điều kiện chăn nuôi hộ gia đình, trang trại nên bổ sung các phụ phẩm nông nghiệp khác như bã bia, bã đậu với lượng từ 4 đến 8kg/con/ngày; vỏ đỗ xanh, bã dứa… từ 1 đến 3kg/con/ngày để giảm lượng thức ăn thô xanh, tăng nhanh khối lượng trong thời gian vỗ béo.

3.3. Vệ sinh thú y

Tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi trước, trong và sau khi vỗ béo. Phát hiện và điều trị bệnh kịp thời cho trâu, bò trong giai đoạn vỗ béo, đặc biệt các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh đường máu.

3.4. Thời gian vỗ béo

Thời gian vỗ béo trâu, bò từ 60 - 90 ngày là tốt nhất (dự kiến tăng trọng 800 - 1.200g/con/ngày, có thể tăng trọng hơn do cách chăm sóc và thể trạng của từng con), tùy theo loại trâu, bò đưa vào vỗ béo và cần đảm bảo được yêu cầu chăn nuôi vỗ béo đạt các tiêu chí như: Tiêu tốn thức ăn thấp, tỷ lệ tăng trọng cao và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Sau khi kết thúc thời gian nuôi vỗ béo trâu, bò người chăn nuôi bán hoặc giết thịt ngay.

Trên đây là hướng dẫn kỹ thuật nuôi trâu, bò vỗ béo. Đề nghị người chăn nuôi thực hiện tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao./.