,

Thương hiệu nông sản

Đội bình chọn trồng rau an toàn làm hướng đi bền vững và gắn với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Trong những năm qua, bà con nông dân xã Đội Bình, huyện Yên Sơn đã tích cực, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lựa chọn trồng rau an toàn để phát triển thành thế mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.


Trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình

Sau hơn 2 năm quay trở lại thăm trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình, chúng tôi bị hút vào bởi những luống rau xanh mướt, đẹp mắt. Là người có kinh nghiệm nhiều năm trồng rau an toàn, ông Hùng vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại vừa cho biết, “tổng diện tích trang trại hiện nay là trên 2 ha, so với 2 năm trước đã tăng lên 0,5 ha. Trong đó có trên 700 m2 là diện tích ao vừa để thả cá chủ động nguồn nước tưới cho rau khi cần. Gần 1.000 m2 là để xây dựng nhà kho, chuồng trại chăn nuôi, hiện đang nuôi 10 con bò, duy trì từ 30-50 con lợn thịt, khoảng 500 con gà, ngan vịt các loại. Việc chăn nuôi và trồng rau ở trang trại tạo thành một quy trình khép kín, như rau già, cỏ là thức ăn cho gia súc, gia cầm. Phân, chất thải của chúng lại được đem ủ, bón cho cây rau, không phát tán, xả thải ra môi trường.

Để phát triển trang trại, trong những năm qua, ông Hùng đầu tư trên 300 triệu đồng xây tuyến đường nội đồng, xây dựng hệ thống tưới nước tự động cho toàn bộ diện tích, làm hệ thống giàn với cột bằng ống thép, bê tông, khung thép để che phủ, đảm bảo cho rau phát triển tốt ở mọi thời tiết. Các khu vực trồng rau được thiết kế, quy hoạch hợp lý theo loại rau. Những thửa ruộng ở phía trên cao được bố trí trồng các loại cây rau dài ngày, cần lượng nước tưới ít như đu đủ, mướp đắng, rau ngót, ớt... Còn các loại rau ngắn ngày, cần tưới nhiều nước như su hào, bắp cải, cải thìa, cải ngọt... được trồng ở những chân ruộng phía dưới. Để có sản phẩm rau sạch, ông lựa chọn các loại giống tốt của các đơn vị cung ứng có uy tín, chất lượng (chủ yếu là của Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Trước khi gieo ươm rau, ông cho xử lý đất bằng chế phẩm sinh học của Công ty cổ phần Thực phẩm EMI Nhật Bản (Hà Nội) nên đã hạn chế tối đa mầm bệnh gây hại. Phân bón cho rau đều là phân hữu cơ vi sinh và phân chuồng đã qua ủ kỹ. Với phương châm “mùa nào thức ấy”, ông trồng các loại rau theo mùa, không trồng rau trái vụ nên hạn chế tối đa các loại sâu, bệnh cho cây trồng.

Những công nhân đang chăm sóc rau tại Trang trại

Toàn bộ rau được cung cấp cho bếp ăn của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) và chuyển cho khách đặt ở Hà Nội, Hải Phòng. Trung bình mỗi tháng, trang trại cung ứng cho thị trường khoảng trên 6 tấn rau các loại, giá từ trung bình khoảng 10.000 - 20.000đ/kg tùy loại rau, mùa vụ và khoảng 1,5 tạ lợn, gà, ngan, vịt, cá, trứng các loại, thu về khoảng trên 100 triệu đồng, tổng doanh thu một năm đạt trên 1.200 triệu đồng. Trừ mọi chi phí lãi trên 500 triệu đồng/năm. Trang trại đã tạo việc làm ổn định cho trên chục lao động của địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Ông Nguyễn Thế Duy, Chủ tịch UBND xã Đội Bình cho biết, “nói đến ông Hùng rau sạch thì bà con trong xã ai cũng biết, ông ấy là người đầu tiên ở xã tiên phong mạnh dạn tích tụ ruộng đất để trồng rau sạch theo quy mô trang trại, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương. Đây cũng là mô hình điển hình thành công trong chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng rau mang lại giá trị kinh tế cao”.

Từ mô hình trồng rau an toàn của ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Cầu Chéo, đến nay có nhiều hộ gia đình ở các thôn Hòa Bình, Hưng Quốc, Độc Lập đã chuyển sang trồng rau an toàn ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Tổng diện tích trồng rau hằng năm toàn xã đạt trên 4 ha. Là địa bàn giáp thành phố Tuyên Quang, gần với thị trấn Đoan Hùng và thuận lợi trong khâu vận chuyển, xã Đội Bình xác định, lựa chọn trồng rau an toàn là thế mạnh góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời gắn với việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo kế hoạch của tỉnh./.

 

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục